Page 64 - Đi Tìm Lẽ Sống
P. 64
sống của chúng tôi, trong tương lai và ở ngay tại nơi đó - trong dãy lều ấy và
trong tình trạng vô vọng ấy. Và tôi thấy những cố gắng của mình đã thành
công. Khi có điện trở lại, tôi thấy những con người tội nghiệp bước khập
khiễng về phía tôi, cám ơn tôi với những giọt nước mắt lăn dài trên má.
Nhưng tôi phải thú nhận rằng rất hiếm khi tôi có can đảm nói với bạn tù về
những nỗi đau khổ như thế, và hẳn là tôi đã bỏ qua nhiều cơ hội để làm điều
ấy.
Chúng ta hiện đang ở giai đoạn ba trong chuỗi phản ứng tâm lý của người
tù: tâm lý của người tù sau khi tự do. Nhưng trước tiên, chúng ta nên xem
xét câu hỏi mà một chuyên gia tâm lý thường được hỏi, nhất là khi người đó
đã từng kinh qua hoàn cảnh này: Ông có thể nói gì về bản chất tâm lý của
những người lính canh trong trại? Làm sao con người bằng xương bằng thịt
có thể đối xử với đồng loại theo cách mà nhiều người tù đã bị đối xử? Ai đã
từng nghe những chuyện này thì sẽ giật mình muốn biết về mặt tâm lý, vì sao
những chuyện ấy lại có thể xảy ra. Để trả lời câu hỏi này mà không đi quá
nhiều vào chi tiết, có một số điều cần được nêu ra:
Thứ nhất, trong số những người lính canh, có một số kẻ rất tàn bạo, tàn
bạo một cách bệnh hoạn.
Thứ hai, khi cần có các lính canh tay sai độc ác, những tên tàn bạo này
luôn là những ứng viên sáng giá.
Có một niềm vui to lớn ở nơi làm việc khi chúng tôi được phép tự làm ấm
mình trong vài phút (sau hai giờ làm việc trong băng giá) trước một cái lò
sưởi được đốt bằng các cành cây nhỏ và gỗ vụn. Nhưng luôn có một số tay
quản đốc tìm thấy niềm vui khi tước đi niềm an ủi này của chúng tôi. Khuôn
mặt chúng toát lên sự khoái trá rõ rệt khi chúng không chỉ cấm chúng tôi
đứng ở đó mà còn ra tay lật úp cái lò và vùi ngọn lửa ấm áp vào trong tuyết
lạnh! Khi một tên lính SS không thích một người nào đó, hắn luôn có một
danh sách những tên tay sai đặc biệt có hứng thú tra tấn người khác và cũng
rất chuyên nghiệp trong việc này, những nạn nhân khốn khổ sẽ được giao
vào tay những kẻ khát máu ấy.
Thứ ba, cảm giác của đa số lính canh ngày càng trở nên chai sạn theo năm
tháng vì phải chứng kiến nhiều kiểu hành hạ dã man ở trại. Những kẻ chai
sạn về đạo đức và tâm hồn đó dù không chủ động tham gia vào các biện
pháp tàn bạo thì cũng không ngăn kẻ khác thực hiện việc đó.
Thứ tư, cần phải nói rằng trong số những chỉ huy / lính gác vẫn có người
thương cảm cho chúng tôi. Tôi không thể nào quên vị chỉ huy của cái trại
cuối cùng trước khi tôi được trả tự do. Sai giải phóng, mọi người mới biết