Page 55 - Đi Tìm Lẽ Sống
P. 55
nghiên cứu tâm lý học nổi tiếng đã chỉ ra rằng cuộc sống trong trại tập trung
có thể gọi là “sự tồn tại tạm bợ”. Chúng tôi bổ sung bằng cách định nghĩa nó
là “sự tồn tại tạm bợ và vô hạn định”.
Những người mới đến thường chẳng biết gì về điều kiện ở trại tập trung.
Những người đã trở về từ những trại khác bị bắt phải giữ im lặng, và ở một
số trại thì chẳng có ai trở về. Khi bước vào trại tập trung, sự thay đổi diễn ra
ngay lập tức trong tâm trí mọi tù nhân. Với một cái kết không chắc chắn thì
sự không chắc chắn về một cái kết là điều hiển nhiên. Thật không thể đoán
trước được khi nào hoặc bao giờ hình thái tồn tại này mới chấm dứt.
Từ finis trong tiếng Latin có hai nghĩa: nghĩa thứ nhất là sự kết thúc hoặc
chấm dứt, và nghĩa thứ hai là một mục đích để vươn tới. Một người không
thể nhìn thấy sự kết thúc của việc “tồn tại tạm bợ” của mình thì không thể
hướng tới một mục đích tối hậu trong đời. Người đó ngừng sống cho tương
lai, khác với một người có cuộc sống bình thường. Vì vậy, toàn bộ cấu trúc
đời sống tinh thần của người đó cũng thay đổi; các dấu hiệu suy thoái xuất
hiện, và chúng ta có thể nhận biết các dấu hiệu này trong các lĩnh vực khác
của đời sống. Ví dụ, một công nhân thất nghiệp cũng ở trong tình thế tương
tự. Sự tồn tại trở nên tạm bợ và chắc chắn anh ta không thể sống cho tương
lai hoặc nhắm tới một mục tiêu nào đó. Công trình nghiên cứu trên các công
nhân mỏ thất nghiệp cho thấy họ phải trải qua một loại thời gian méo mó kỳ
lạ - thời gian tinh thần - là kết quả của tình trạng thất nghiệp. Các tù nhân
cũng chịu đựng “trải nghiệm thời gian” kỳ lạ này. Trong trại, một đơn vị thời
gian nhỏ nhất, ví dụ một ngày, với sự tra tấn và mệt mỏi thì dường như kéo
dài vô tận. Trong khi một đơn vị thời gian lớn hơn, có thể là một tuần, lại
dường như trôi qua rất nhanh. Các bạn trong trại của tôi cũng đồng ý khi tôi
nói rằng một ngày dài hơn một tuần. Thật là một nghịch lý thời gian! Trong
mối liên hệ này, chúng tôi nhớ tới tác phẩm Ngọn núi phù thuỷ của Thomas
Mann với những nhận xét tâm lý sắc sảo. Mann đã nghiên cứu diễn biến tinh
thần của những người đang trong trạng thái tâm lý tương tự, chẳng hạn như
các bệnh nhân bị lao phải nằm điều trị trong bệnh viện mà không biết khi
nào mới được xuất viện. Họ trải nghiệm một sự tồn tại tương tự - không có
tương lai và không có mục đích.
Một trong số tù nhân đi cùng với những người tù mới trên đường từ bến
xe về trại đã nói với tôi rằng anh ấy có cảm giác như đang đi trong chính
đám tang của mình. Đời anh như hoàn toàn không có tương lai. Anh xem
như nó đã qua và mọi chuyện đã chấm dứt như thể anh đã chết rồi. Cảm giác
sống mà không phải đang sống càng được nhấn mạnh vì các nguyên nhân
khác: thời gian tù đày vô định và sự gò bó về không gian trong tù.
Bất cứ thứ gì bên ngoài những hàng rào kẽm gai đều trở nên xa xôi ngoài