Page 52 - Đi Tìm Lẽ Sống
P. 52
người có sự lựa chọn cho hành động của mình. Có đủ ví dụ cho điều này,
thường là về bản tính quả cảm, chứng minh rằng con người có thể vượt qua
sự vô cảm và kiềm chế sự tức giận. Con người có thể giữ vững sự tự do về
tinh thần, sự độc lập về tâm trí, ngay cả trong những điều kiện tồi tệ do căng
thẳng về tinh thần lẫn thể chất.
Chúng tôi, những người đã sống trong trại có thể nhớ đến những người đã
đi bộ qua các dãy nhà để động viên những người khác, chia sẻ với họ mẩu
bánh mì cuối cùng của mình. Có thể họ chỉ có vài người, nhưng điều đó cũng
đủ để chứng minh rằng người ta có thể lấy đi của một người mọi thứ, chỉ trừ
một điều: sự tự do - sự tự do trong việc lựa chọn thái độ sống trong bất kỳ
hoàn cảnh nào, và sự tự do lựa chọn hướng đi của mình.
Và luôn có những lựa chọn mà ta phải quyết định. Mỗi một ngày, mỗi
một giờ thường đem đến cho ta cơ hội để đưa ra quyết định, quyết định về
việc bạn sẽ khuất phục hay ngẩng cao đầu trước những thế lực đang đe doạ
cướp đi con người thật của bạn, cướp đi sự tự do bên trong của bạn; quyết
định về việc bạn có trở thành trò đùa của hoàn cảnh, chối bỏ sự tự do và
phẩm giá của mình để bị nhào nặn thành hình nhân tiêu biểu cho phận tù hay
không.
Theo quan điểm này, các phản ứng tâm lý của người tù trong trại dường
như xuất phát từ chính bản thân họ hơn là từ tác động của những điều kiện
nhất định về vật chất và xã hội. Thậm chí ngay cả các điều kiện như thiếu
ngủ, thiếu ăn và các kiểu căng thẳng thần kinh có thể gợi ý rằng người tù bị
buộc phải phản ứng theo những cách nhất định thì trong phân tích cuối cùng,
rõ ràng người tù trở thành loại người nào là kết quả từ quyết định bên trong
của họ, chứ không đơn thuần chỉ là kết quả từ ảnh hưởng của hoàn cảnh sống
trong trại. Vì vậy, về cơ bản, bất cứ ai cũng có thể quyết định mình sẽ trở
thành người như thế nào về mặt tinh thần và tâm hồn, ngay cả trong những
hoàn cảnh như thế. Người ấy vẫn có thể giữ lại phẩm giá của mình, dù là ở
trong trại tập trung. Dostoevski đã nói rằng: “Chỉ có một điều mà tôi sợ:
không xứng đáng với những đau khổ của mình”. Những lời này thường hiện
lên trong đầu tôi sau khi tôi quen biết những người mà cách cư xử ở trại, sự
chịu đựng và cái chết của họ đã xác nhận một điều rằng sự tự do còn lại bên
trong tâm hồn không thể mất đi. Mọi người có thể nói rằng họ đã xứng đáng
với những đau khổ của họ; cách họ trải qua đau khổ đã là một thành công
đích thực. Chính sự tự do về tinh thần này - vốn không thể bị cướp đi - đã
khiến cuộc sống trở nên có ý nghĩa và có mục đích.
Một cuộc sống chủ động đem lại cho con người cơ hội nhận ra giá trị
trong những công việc sáng tạo, trong khi một cuộc sống hưởng thụ thụ động
mang lại cơ hội để trải nghiệm cái đẹp, nghệ thuật hoặc tự nhiên. Nhưng