Page 37 - Đi Tìm Lẽ Sống
P. 37
cho khán giả - những người đến cổ vũ. Chẳng hạn nhờ tinh thần cổ vũ hăng
hái, tôi nhận được sự che chở (thật may là tôi chưa cần nó bao giờ!) từ một
Capo đáng sợ nhất trong trại - người có biệt hiệu là “Capo sát thủ”. Chuyện
diễn ra như sau: Một chiều nọ, tôi lại được vinh dự mời đến căn phòng diễn
ra buổi cầu cơ một lần nữa. Ở đó đã tụ tập nhiều người bạn của vị bác sĩ
trưởng (việc này trái với luật của trại), và viên sĩ quan đội vệ sinh cũng có
mặt. Vị Capo sát thủ tình cờ bước vào phòng và hỏi mọi người có muốn
nghe bài thơ nổi tiếng (đúng ra là tai tiếng) của hắn hay không. Không cần
hỏi tới lần thứ hai, hắn ta nhanh chóng lấy ra một tập ghi chép và bắt đầu đọc
áng thơ “tuyệt tác” của mình. Tôi mím chặt môi để khỏi bật cười trước
những vần thơ yêu thích của hắn, cũng là để cứu mạng mình. Vì tôi vỗ tay
quá nhiệt liệt nên dù tôi có bị cắt cử sang làm việc ở đội của hắn thì tôi vẫn
có cơ hội sống sót, trước đây tôi đã từng bị chỉ định sang đó làm việc trong
một ngày - một ngày là quá đủ với tôi. Dù sao, việc có được thiện cảm của
Capo sát thủ cũng có ích, vì vậy tôi đã cố hết sức mà vỗ tay thật to.
Dĩ nhiên nhìn chung, bất cứ hình thức nghệ thuật nào ở trong trại cũng là
một điều kỳ quái. Có thể nói rằng bất cứ ấn tượng nào có liên quan đến nghệ
thuật đều nảy sinh từ cảnh trái ngược ma quái giữa hình thức biểu diễn với
hiện trạng hoang tàn của cuộc sống trong trại. Tôi sẽ không bao giờ quên tôi
đã tỉnh dậy như thế nào từ giấc ngủ vùi mệt lử vào đêm thứ hai của mình ở
Auschwitz - bị khuấy động bởi tiếng nhạc. Người lính canh già tổ chức ăn
mừng gì đó trong phòng của mình, gần với lối vào trại. Giọng nói lè nhè
trong cơn say. Bỗng mọi thứ trở nên im bặt và rồi tiếng đàn vĩ cầm ngân lên
giai điệu buồn bã, cô độc xuyên phủ màn đêm. Tiếng vĩ cầm da diết khiến tôi
muốn bật khóc, bởi vì vào ngày hôm đó, có một người vừa bước sang tuổi
24. Người đó hẳn giờ này đang nằm trong một khu trại nào đó ở Auschwitz,
có thể chỉ cách tôi từ vài trăm tới một ngàn dặm, nhưng chúng tôi chẳng thể
nào gặp được nhau. Người ấy chính là vợ tôi.
Việc khám phá ra rằng bên trong trại tập trung cũng có bóng dáng của
nghệ thuật có lẽ sẽ khiến cho người bên ngoài ngạc nhiên. Và họ sẽ càng
kinh ngạc khi biết người tù lại còn có thể tìm thấy sự hài hước trong hoàn
cảnh khủng khiếp ấy, dĩ nhiên tâm trạng vui vẻ ấy chỉ xuất hiện trong giây
lát rồi tất cả lại chìm trong bóng đêm vô vọng. Sự hài hước là một loại vũ
khí tinh thần trong cuộc đấu tranh duy trì sự sống. Nó có sức mạnh hơn bất
cứ phẩm chất nào khác, có thể đưa con người vượt lên bất kỳ hoàn cảnh nào,
cho dù chỉ là trong phút chốc. Thực tế tôi đã giúp một anh bạn làm cạnh tôi
tại công trường xây dựng cách phát triển óc hài hước. Chúng tôi hứa với
nhau rằng mỗi người ít nhất phải nghĩ ra một câu chuyện cười mỗi ngày về
một việc bất ngờ nào đó có thể xảy ra khi chúng tôi đã được tự do. Anh ấy là
một bác sĩ phẫu thuật và đã từng làm việc trong một bệnh viện lớn. Thế là có