Page 177 - Nền giáo dục của người giàu
P. 177
“Thế tại sao có một công việc tốt lại quan trọng đến thế?”
“Để kiếm được thật nhiều tiền.”
“Tại sao chúng ta lại cần kiếm thật nhiều tiền?”
“Thật điên rồ, cậu ăn phải thứ gì vậy? Để mua ô tô, quần áo, nhà đẹp, để ăn
uống trong các nhà hàng sang trọng, đi trượt tuyết, để lấy vợ đẹp. Không
phải cậu muốn là người quét rác đấy chứ?”
“Ừ,” tôi lẩm bẩm và quay về với bài tiểu luận của mình.
Có lẽ những động lực chính khiến những cậu thanh niên 16, 17 tuổi như
chúng tôi dành 4 đến 5 giờ mỗi tối làm bài tập về nhà và cả tối thứ Sáu và
thứ Bảy để học hành là: Nỗi sợ bị trượt bài kiểm tra hoặc không làm được
yêu cầu thầy cô đưa ra. Chúng ta hiếm khi trượt nhưng nỗi sợ vẫn luôn
thường trực. Tiếp đến là nỗi sợ bảng điểm trung học thấp. Tiếp đến là nỗi sợ
bảng điểm thấp đó sẽ khiến bạn thất bại trong việc nộp đơn vào một trường
danh tiếng. Và cuối cùng là nỗi sợ nếu không vào được đại học thì sẽ “ra
đường quét rác kiếm sống”. Deerfield là cái nôi sinh ra rất nhiều những đứa
trẻ sáng dạ và tài năng từ các gia đình giàu có, sợ chết khiếp nếu phải trở
thành kẻ quét rác.
Khi tôi phỏng vấn nhiều người về chủ đề tự học cho cuốn sách này, tất cả
đều được bắt đầu như sau: “Hầu hết mọi người bao gồm cha mẹ, thầy cô, các
chính trị gia đều nói với bạn rằng nếu không có bằng đại học, bạn sẽ thành
kẻ quét rác. Làm sao bạn tránh được quan điểm đó và tin vào chính bản thân
mình rằng bạn có thể thành công nhờ tự nỗ lực?”
Thế nhưng, khi phỏng vấn Brian Scudamore, tôi đã ngăn mình không thốt ra
từ “kẻ quét rác” bởi Brian là một người “nhặt nhạnh” tất cả mọi thứ, nhưng
lại là tỷ phú “quét rác”.
Anh ấy không phải “người quét rác” theo nghĩa đen mà là người đồng sáng
lập kiêm CEO của 1–800–GOT–JUNK? (http://www.1800gotjunk.com) và
làm giàu nhờ thu lượm rác.
Vào một ngày năm 1989, chàng sinh viên năm thứ nhất Brian băn khoăn về
cách chi trả học phí đại học của mình. Cậu đang đứng trong bãi đỗ xe tại
McDonald’s ở Vancouver và thấy một chiếc xe tải đi qua với dòng chữ “Xe
gom rác của Mark”.