Page 92 - Đi Tìm Lẽ Sống
P. 92
ngoại giao này là người đã từng bị bắt và giam giữ ở phía sau “Bức màn
sắt” [31] trong nhiều năm, đầu tiên là ở Siberia và sau đó trong khu giam giữ
nổi tiếng Lubianka ở Moscow. Khi tôi đang kiểm tra thần kinh cho nhân viên
ngoại giao này, ông ta bỗng nhiên hỏi tôi có biết bác sĩ J. không. Sau lời xác
nhận của tôi, ông ấy nói: “Tôi đã quen anh ấy ở Lubianka. Anh ấy chết ở đó
năm 40 tuổi do bị ung thư bàng quang. Đối với mọi người chúng tôi, anh ấy
luôn là một người bạn rất tốt bụng! Anh ấy đã an ủi tất cả mọi người. Anh ấy
đã sống rất chuẩn mực. Bác sĩ J. là một người bạn tốt nhất mà tôi từng gặp
trong suốt những năm tháng trong tù!”.
Câu chuyện về Bác sĩ J. - “kẻ giết người hàng loạt của Steinhof” - đã
chứng minh rằng hành vi của một con người là điều rất khó có thể dự đoán.
Chúng ta có thể dự đoán các chuyển động của một cái máy, của một thiết bị
tự động; thậm chí có thể dự đoán được cơ chế hoặc “động lực” tinh thần của
con người. Nhưng con người là một thực thể vô cùng tinh vi và phức tạp chứ
không chỉ có tinh thần.
Tuy nhiên, tự do không phải là điều tối thượng. Tự do chỉ là một phần của
câu chuyện và là một nửa sự thật. Tự do là những gì còn lại sau khi loại bỏ
mặt tiêu cực trong một tổng thể, trong đó khía cạnh tích cực của tổng thể ấy
là trách nhiệm. Thực ra, chủ trương tôn thờ chủ nghĩa tự do có nguy cơ bị
biến thành chủ nghĩa độc đoán trừ khi tự do phải luôn gắn liền với trách
nhiệm. Đó là lý do tại sao tôi đã khuyến nghị rằng bức tượng Thần Tự do ở
Bờ Tây cần được bổ sung thêm một bức tượng Thần Trách nhiệm ở Bờ
Đông.
Cương lĩnh hoạt động
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù một con người được cho là đã đánh mất
chính mình, thì họ vẫn còn một chút đặc quyền tối thiểu. Vì vậy, đối với
những người mắc chứng rối loạn thần kinh, thậm chí tâm thần, trong họ vẫn
tồn tại cái được gọi là quyền tự quyết - đặc quyền trong khuôn khổ giới hạn.
Thật vậy, quyền tự quyết là cái cốt lõi sâu thẳm nhất trong bản ngã con
người, ngay cả chứng rối loạn tinh thần cũng không thể chạm tới được.
Một người bị tâm thần mãn tính có thể không còn khả năng đóng góp cho
lợi ích của gia đình và xã hội, tuy nhiên ở họ vẫn còn lại chân giá trị của một
con người. Đây chính là cương lĩnh hoạt động trong lĩnh vực tâm thần của
tôi. Không có nó, tôi không nghĩ mình xứng đáng trở thành một nhà tâm lý
học. Tôi làm tất cả những điều này vì lợi ích của ai ư? Vì những “cỗ máy”
tổn thương não vốn không còn khả năng phục hồi kia sao? Nếu bệnh nhân
còn sống vẫn có thể đóng góp được điều gì đó, thì mọi lý lẽ biện minh cho
luật “cái chết êm ái” chỉ là sự nguỵ biện.