Page 88 - Đi Tìm Lẽ Sống
P. 88
việc. Vì vậy, chỉ có phương pháp điều trị ngắn hạn tức thời mới có thể giúp
đỡ hữu hiệu cho hoàn cảnh này. Khi bắt đầu trị liệu, bác sĩ Eva Kozdera đã
yêu cầu bệnh nhân hãy làm những gì trái ngược với những việc mà ông ấy
thường làm; tức là thay vì cố viết sạch đẹp, rõ ràng, hãy cứ viết nguệch
ngoạc. Bác sĩ còn khuyên ông ấy hãy tự nói với mình rằng “Bây giờ tôi sẽ
cho mọi người thấy tôi là người viết chữ xấu như thế nào!”. Và vào lúc ấy,
ông thủ thư đã thử viết chữ thật xấu, nhưng ông ấy không thể làm thế. “Tôi
cố viết cẩu thả nhưng đơn giản là tôi không thể làm được,” - ông giải thích.
Trong vòng 48 giờ, bằng cách này, bệnh nhân đã được thoát khỏi chứng
bệnh co cứng cơ cổ tay và tình trạng của ông vẫn ổn định trong suốt giai
đoạn theo dõi sau khi điều trị. Ông ấy giờ đã vui vẻ trở lại và hoàn toàn có
thể làm việc bình thường.
Một đồng nghiệp của tôi làm việc tại khoa thanh quản của Bệnh viện
Poliklinik ở Áo cũng từng phải đối mặt với tình huống tương tự, nhưng ở
đây bệnh nhân của anh gặp khó khăn với việc phát âm chứ không phải viết
chữ. Đây là một trong những ca nói lắp nghiêm trọng mà anh ấy gặp trong
nhiều năm làm việc. Bệnh nhân ấy chưa bao giờ nói được một câu trôi chảy,
dù là câu rất ngắn, ngoại trừ một lần. Chuyện xảy ra khi anh ấy 12 tuổi trong
một lần anh đi trốn vé trên một chuyến xe điện. Khi bị người soát vé giữ lại,
cậu bé nghĩ cách duy nhất để thoát là tỏ ra mình đáng thương, và thế là cậu
đã cố chứng minh với người soát vé rằng mình la một cậu bé nói lắp tội
nghiệp. Nhưng lúc ấy, khi cố nói lắp thì cậu lại không thể nói lắp được. Và
phương pháp suy nghĩ đảo nghịch một lần nữa lại phát huy tác dụng chữa trị
của nó.
Tuy nhiên, suy nghĩ đảo nghịch không phải chỉ có hiệu quả trong các
trường hợp bệnh lý. Bằng kỹ thuật điều trị này, các đồng nghiệp của tôi tại
Bệnh viện Poliklinik Áo đã thành công trong việc đem lại cuộc sống bình
thường cho các trường hợp bị ám ảnh ở mức độ nghiêm trọng và kéo dài vì
phải thường xuyên làm một công việc nào đó. Tôi đơn cử trường hợp một bà
cụ 65 tuổi đã phải chịu đựng suốt 60 năm hội chứng sợ hãi công việc giặt
giũ. Bác sĩ Eva Kozdera bắt đầu chữa trị cho bà theo liệu pháp ý nghĩa, áp
dụng phương pháp suy nghĩ đảo nghịch. Kết quả là hai tháng sau, bệnh nhân
có thể sống một cuộc sống bình thường. Trước khi được đưa đến khoa tâm
thần của Bệnh viện Poliknilik của Áo, bà đã thú nhận “Cuộc sống của tôi
trước đây chẳng khác nào địa ngục”. Suốt bao năm qua, lúc nào bà cũng bị
ám ảnh bởi tình trạng cưỡng bức lao động và nỗi sợ bị lây nhiễm vi khuẩn
đến nỗi cuối cùng bà chỉ suốt ngày nằm trên giường và không thể làm được
bất cứ việc gì trong gia đình. Không hẳn là giờ đây bà đã hoàn toàn khỏi
bệnh, bởi sự ám ảnh có thể vẫn còn lại đâu đó trong tâm trí bà. Tuy nhiên, bà
đã có thể nói đùa về công việc của mình và không còn sợ nó nữa.