Page 13 - Đi Tìm Lẽ Sống
P. 13

tốt đẹp nhất trong chúng tôi đã không bao giờ trở lại. Đã có nhiều trình thuật
           về những dữ kiện xảy ra trong các trại tập trung. Ở đây, các sự việc chỉ có ý
           nghĩa nếu chúng là một phần trải nghiệm của con người. Khảo luận sau đây

           sẽ cố gắng miêu tả bản chất đích thực của các trải nghiệm ấy. Đối với những
           bạn tù của tôi, tôi sẽ cố gắng khắc họa những trải nghiệm của họ theo cách
           hiểu hiện nay. Và với những người chưa từng ở trại, những miêu tả của tôi
           có thể giúp họ hiểu và hiểu rõ hơn những trải nghiệm của rất ít tù nhân sống
           sót và đang gặp khó khăn với cuộc sống hiện tại. Thông thường, họ không

           muốn nói về những trải nghiệm ấy. Họ không cần một lời giải thích nào,
           cũng như những người khác sẽ không thể hiểu được cảm nhận của họ khi ấy
           cũng như bây giờ.


               Tôi đã nỗ lực trình bày một cách hệ thống về chủ đề này, nhưng thật sự
           đây là một việc rất khó, bởi vì tâm lý học cần sự nhận xét khách quan, khoa
           học. Liệu những quan sát, nghiên cứu từ một tù nhân có đủ sự khách quan

           cần thiết hay không? Những người ở ngoài trại tất nhiên sẽ có cái nhìn khách
           quan hơn, nhưng họ lại không có đủ trải nghiệm thực tế để có thể đưa ra
           nhận định về chân giá trị từ cuộc sống của những con người từng phải chịu
           đựng bao đau đớn cùng cực. Chỉ có người trong trại mới hiểu được. Trong
           tác phẩm của mình, tôi cố gắng không áp đặt bất kỳ ý niệm chủ quan nào, và

           đó là điều thực sự khó khăn đối với một cuốn sách như thế này. Để nói lên
           những trải nghiệm rất riêng của bản thân đôi khi cần phải có dũng khí. Tôi
           đã định viết cuốn sách này mà không công bố tên tác giả, chỉ sử dụng số hiệu

           trong tù của mình. Nhưng khi bản thảo hoàn thành, tôi nhận thấy rằng, khi
           công bố sách mà giấu tên người viết thì cuốn sách sẽ bị giảm phân nửa giá
           trị. Tôi cần phải chịu trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình, và trước
           hiện thực lịch sử. Tôi có thể khẳng định tôi là người không hề thích phô bày
           sự việc, song trong quá trình thực hiện tập sách này, tôi giữ quan điểm trung

           thành với hiện thực lịch sử, không cắt xén cũng không thêu dệt.

               Tôi sẽ nhường phần phán xét cho các bạn - những độc giả đáng mến. Các
           bạn có thể tự rút ra những luận điểm lý thuyết khô khan sau khi tìm hiểu nội

           dung của cuốn sách. Những luận điểm này có thể góp phần vào việc nghiên
           cứu tâm lý của người tù, được tiến hành từ sau Thế chiến thứ nhất; những
           luận điểm này cũng không xa lạ với chúng tôi qua “hội chứng dây kẽm gai”.
           Nhìn từ góc độ tích cực, Thế chiến thứ hai đã giúp giới nghiên cứu chúng tôi

           bổ sung thêm kiến thức về “tâm lý học đại chúng” (xin phép được trích dẫn
           thuật ngữ khá nổi tiếng và cũng là tựa đề một cuốn sách của LeBon). Cuộc
           chiến ngoài  đời cũng  đã  đem lại  cho chúng  tôi cả  trại  tập trung  lẫn cuộc
           chiến của các sợi thần kinh.


               Mục đích tôi viết tập sách này là muốn nói lên những trải nghiệm của tôi
   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18