Page 40 - Nguồn gốc dân tộc Việt Nam
P. 40
người Mân-Việt là họ Lạc.
Trong những cuộc vượt biển hàng năm của nhóm người
Việt-tộc ấy, họ thường tự sánh họ với một giống chim hậu
điểu mà hàng năm, đến mùa lạnh, tức mùa gió bấc, họ
thường thấy cùng dời miền bờ biển Giang-nam mà bay về
miền Nam đồng thời với cuộc xuất dương của họ, rồi đến
mùa nóng, là mùa gió nồm, các chim ấy cũng trở lại miền
Giang-nam đồng thời với cuộc trở về của họ. Vì thế mà dần
dần trong tâm lý họ phát sinh ra quan niệm tô-tem, khiến họ
nhận giống chim lạc ấy, (giống chim lạc là một giống chim
hậu điểu về loài ngỗng trời) là vật tổ, rồi cái tên vật tổ trở
thành tên của thị tộc, cho nên người ta gọi nhóm Việt-tộc ấy
là Lạc-Việt. Những khi họ vượt biển có lẽ họ thường giả trang
mang lông chim lạc ở đầu và ở mình để trá hình thành vật
tổ, họ lại trang sức thuyền của họ thành hình trạng vật tổ,
và đeo khắp nơi trong thuyền những huy hiệu vật tổ, tất cả
những hành động ấy là cốt để cầu cho vật tổ hộ-vệ họ được
an-toàn giữa sóng gió ở biển khơi. Cái hình thuyền với những
thủy thủ kỳ hình quái trạng chạm trên trống đồng Ngọc-lư
mà các nhà khảo cổ học người Pháp, Gouloubew và Finot cho
là có ý nghĩa tô-tem, chính là biểu hiện của các thuyền đã
từng chở người Lạc-Việt ở miền Phúc-kiến xuống miền Bắc
Việt-nam. Đến đây, họ vẫn giữ tên thị tộc cũ là Lạc và chính
bằng tên Lạc-Việt mà từ rày các sử sách của Trung-hoa gọi
họ.
Lân cận với nhóm Lạc-Việt là nhóm Tây-Việt hay Tây-Âu
ở miền Đông-Nam tỉnh Quảng-tây, quân nhà Tần cũng
không chinh phục được. Trong năm đạo quân nhà Tần phái
đi đánh miền Bách-Việt, thì đạo thứ nhất và đạo thứ nhì do
phía Nam tỉnh Hồ-nam đánh vào phía Bắc tỉnh Quảng-tây.