Page 110 - Đi Tìm Lẽ Sống
P. 110
Ông đã vùi mình vào nghiên cứu. Năm 1946, ông tái cấu trúc và chỉnh
sửa cuốn sách đã bị tiêu huỷ khi bị đưa vào trại tập trung - The Doctor and
the Soul (Bác sĩ và tâm hồn), và cũng trong năm đó - chỉ trong vòng 9 ngày -
ông đã viết xong Đi tìm lẽ sống. Ông hy vọng những gì ông viết sẽ giúp chữa
trị tình trạng cô lập bản thân và sự bất ổn, xáo trộn về văn hoá - những
nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy “trống rỗng nội tâm”. Có lẽ lòng
nhiệt tình đối với công việc đã giúp Frankl khôi phục lại ý nghĩa cuộc sống
trong ông.
Hai năm sau, ông kết hôn với Eleanore Schwindt. Giống như Tilly, người
vợ trước của ông - Eleanore cũng là một y tá. Tilly theo đạo Do Thái, còn
Elly (tên gọi thân mật của Eleanore) theo Thiên Chúa giáo. Mặc dù việc hai
người vợ của ông theo hai tín ngưỡng khác nhau chỉ đơn thuần là sự trùng
hợp nhưng qua đó cũng thể hiện được tính cách của Victor Frankl - ông luôn
tôn trọng tất cả mọi người bất kể tín ngưỡng, tôn giáo của họ. Lòng trân
trọng sâu sắc của ông trước sự độc đáo và phẩm giá của một cá nhân được
thể hiện rõ qua việc ông ngưỡng mộ Freud và Adler, cho dù ông không đồng
ý với các học thuyết tâm lý và triết học của họ. Ông cũng tự hào về mối quan
hệ riêng của mình với các triết gia thuộc các trường phái hoàn toàn đối lập
như Martin Heidegger - người trước đây từng ủng hộ chế độ phát xít, nhưng
sau này đã được cải hoá, hay Karl Jasper - người tán thành ý tưởng về tội lỗi
tập thể, và Gabriel Marcel - một triết gia và văn sĩ theo Thiên Chúa giáo.
Với tư cách là một chuyên gia tâm thần, Frankl đã tránh đối chiếu với niềm
tin tôn giáo của bản thân. Ông hãnh diện khi nói rằng mục tiêu của nhà tâm
thần học là chữa trị tâm hồn, còn tôn giáo là để cứu rỗi tâm hồn.
Ông phụ trách giảng dạy và quản lý khoa thần kinh thại Bệnh viện Ngoại
trú Vienna trong suốt 25 năm và đã viết hơn 30 cuốn sách chuyên sâu về tâm
lý học cùng với các đầu sách phổ thông khác. Viktor Frankl cũng diễn thuyết
ở khắp các châu lục trên thế giới, từ châu Âu, châu Mỹ, Úc, châu Á đến châu
Phi; ông cũng được mời giảng dạy tại các trường đại học danh tiếng hàng
đầu thế giới như Harvard, Stanford, Pittsburgh. Ông là Giáo sư đặc biệt
(Distinguished Professor) về Liệu pháp ý nghĩa tại Đại học Quốc tế Hoa Kỳ
(U.S International University), thành phố San Diego. Ông đã gặp các chính
trị gia, những nhà lãnh đạo thế giới như Đức Giáo Hoàng John Paul VI, các
triết gia, sinh viên, giáo viên. Vô số độc giả đã được truyền cảm hứng từ
những cuốn sách của ông. Thậm chí ở tuổi 90, Frankl vẫn tiếp tục tham gia
đối thoại với các du khách từ khắp nơi trên thế giới và trả lời thư riêng cho
hàng trăm bức thư ông nhận được mỗi tuần. 29 trường đại học đã dành tặng
ông học vị danh dự, và hiệp hội bệnh tâm thần Mỹ đã vinh danh ông với Giải
thưởng Oskar Pfister [61] .